Tin tức & Sự kiện
Ngày 20-07-2018
Hành trình theo dấu chân những người chiến sĩ
Đoàn tình nguyện xuất phát tại trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên với tinh thần phấn khởi, hồ hởi, xung kích sau một chặng đường dài thì đoàn tình nguyện đã đến được địa điểm đầu tiên là Nghĩa trang Vị Xuyên.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên nằm cạnh đường quốc lộ 2A, thuộc địa phận thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, cách Thành phố Hà Giang 18 km. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa có quy mô lớn, thể hiện sự tri ân, tôn vinh của Đảng, Nhà nước, của Quân đội và nhân dân ta đối với những người con yêu quý của dân tộc đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.
BCH Đảng bộ trường Cao đẳng Y tế dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Vị Xuyên - Tỉnh Hà Giang
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên hiện nay là nơi an nghỉ của 1.746 liệt sĩ, trong đó có 264 phần mộ liệt sĩ chưa biết tên các anh đến từ 33 tỉnh, thành phố trên khắp mọi miền đất nước. Họ là những chàng trai vừa đôi mươi, mười tám đã anh dũng hy sinh trong 10 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc.
Đồng chí: Hoàng Anh Tuấn - Bí thư Đảng Bộ nhà trường thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ
Giữa cái nắng oi ả của mùa hè, đoàn tình nguyện đã làm Lễ dâng hương tại tượng đài nghĩa trang Vị Xuyên, với sự quyết tâm không thể để ngôi mộ nào thiếu nén hương thơm, cán bộ đoàn viên trường Cao đẳng Y tế đã chia nhau đến từng ngôi mộ để lau dọn, làm sạch các phần mộ và xung quanh nghĩa trang, thắp hương cho các anh hùng liệt sỹ đã hiến dâng tuổi thanh xuân để bảo vệ đất nước.
Đồng chí: Nguyễn Kim Thành - Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường thắp hương tưởng nhớ cho anh hùng liệt sĩ
Tiếp tục cuộc hành trình chúng tôi tới đài hương 468, cách thành phố Hà Giang hơn 20km đến UBND xã Thanh Thủy, nhưng chặng đường từ xã Thanh Thủy đến đài hương là một con đường mòn bám vào vách núi dựng đứng, phải đi bộ mất 4km, mặc dù đoạn đường khá xa và khó đi, gần như tất cả thành viên trong đoàn đã ướt đẫm mồ hôi trên chiếc áo đoàn nhưng với tinh thần ý chí quyết tâm phải lên tới nơi, đi theo dấu chân của những người chiến sỹ thì các thành viên đã cùng nhau nỗ lực để lên tới đài hương 468. Đài hương được xây dựng tại điểm cao 468 thuộc thôn Nậm Ngặt, nơi diễn ra các trận đánh ác liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên thắp hương tại đài hương 468 Xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang
Nằm trên điểm cao 468 ở lưng chừng núi Nậm Ngặt (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), Đài hương các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên như nằm giữa trời mây trắng. Được khánh thành ngày 25-6-2016, công trình đã trở thành địa chỉ lịch sử văn hóa góp phần tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đoàn tình nguyện cũng đã được nhân chứng sống của lịch sử kể về sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ và các chiến tích hiển hác ở nơi đây.
Tuổi trẻ trường cao đẳng Y tế Thái Nguyên tri ân các anh hùng liệt sĩ tại đài hương 468 xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang
Để giữ vững biên cương, tại Vị Xuyên, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt trên các cao điểm 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích, Bốn Hầm… Cuộc chiến kết thúc, có cao điểm bị bạt đi hơn 3m vì đạn pháo, ác liệt của quân xâm lược đến mức được gọi là "lò vôi thế kỷ". Quân dân ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực xâm phạm biên cương tại Vị Xuyên, buộc phải rút về bên kia biên giới. Toàn chiến dịch, tại mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang giai đoạn 1979 - 1989, hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh, hơn 9.000 cán bộ chiến sĩ bị thương.
Cựu chiến binh Vàng Văn Chuyên - người trông coi khu tưởng niệm 468 kể lại những trận chiến khốc liệt diễn ra tại nơi đây
Vẫn còn 2.000 liệt sĩ đang nằm lại chiến trường. Đứng trên đài hương nhìn xuống, thung lũng Nậm Ngặt xanh ngát màu xanh của cây cối, lác đác những nếp nhà sàn êm ấm, yên bình. Dưới chân núi, dòng suối Thanh Thủy lặng lờ trôi. Cuộc sống thanh bình, hạnh phúc đã phủ lên mảnh đất từng một thời bom đạn, đau thương này.
Tổng số 20 bình chứa nước được Nhà trường trao tận tay cho các gia đình chính sách trên địa bàn xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang
Nhà trường đã trao tặng tổng số 15 ghế đá tại 03 địa điểm: Đài hương 468, Đài tưởng niệm liệt sĩ và UBND xã Thanh Thủy
Trong chuyến hành trình này, đoàn tình nguyện chúng tôi đã cùng với xã Thanh Thủy thực hiện các hoạt động tình nguyện ý nghĩa giúp đỡ bà con nhân dân nơi đây. Đặc biệt, tối ngày 17/07/2018 Đảng ủy – UBND xã Thanh Thủy và Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên đã phối hợp tổ chức chương trình Giao lưu kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ. Tham dự chương trình có TS Hoàng Anh Tuấn – Bí thư đảng ủy nhà trường; Ths.BsCKII Nguyễn Kim Thành – Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường; BsCKII Dương Ngọc Anh – Trưởng phòng tổ chức cán bộ, chủ tịch công đoàn trường; TS Hoàng Thủy – Bí thư đoàn trường; các đồng chí là trưởng, phó các phòng ban, đoàn thanh niên và các đồng chí đoàn viên thanh niên.
Đ/c: Hoàng Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy và Đ/c: Nguyễn Kim Thành - Phó hiệu trưởng phụ trách Nhà trường trao tặng quà cho các gia đình chính sách
Tại chương trình, nhà trường đã dành tặng 20 suất quà trị giá 22.000.000đ cho các gia đình thương binh liệt sỹ, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương; tặng 15 chiếc ghế đá trị giá 12.000.000đ ( được đặt tại Bia tưởng niệm anh hùng liệt sỹ xã Thanh Thủy và đài hương 468), 02 suất quà trị giá 2.000.000đ cho hai đồng chí cán bộ cái quản đài hương và bia tưởng niệm với tổng trị giá quà tặng chương trình là 40 triệu đồng.
Đồng chí: Dương Ngọc Anh - Chủ tịch công đoàn Nhà trường trao tặng 05 ghế đá trong tổng số 15 ghế cho UBND xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang
Đồng chí: Hoàng Thị Thủy - Bí thư đoàn trường trao tặng 01 suất quà cho Đ/c Tráng Văn Đùi - Quản trang đài hương 468, xã Vị Xuyên Thanh Thủy, Hà Giang
Trong buổi tối giao lưu cả hai đơn vị đã mang đến những tiết mục văn nghệ vô cùng đặc sắc để biểu diễn phục vụ cho bà con nhân dân thưởng thức. Sự nhiệt huyết, năng động, nhiệt tình của tuổi trẻ đã được thể hiện qua các bài hát, điệu múa trong chương trình. Mỗi tiết mục đều đem đến nhiều xúc cảm và những thông điệp giàu tính nhân văn, về lí tưởng sống cống hiến “đâu cần thanh niên có, ở đâu khó có thanh niên”.
Tuổi trẻ trường Cao đẳng Y tế thái Nguyên tham gia chương trình giao lưu văn nghệ với đoàn xã Thanh Thủy
Trong chuyến hành trình để giúp đoàn viên thanh niên hiểu thêm về công lao to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn tình nguyện đã ghé thăm địa điểm di tích lịch sử quốc gia Cây đa Tân Trào. Tân Trào – Tuyên Quang từ lâu đã được biết đến là cái nôi của cách mạng Việt Nam, nơi gắn liền với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các bộ, ban, ngành Trung ương trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 và trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1946 – 1954). Địa điểm đầu tiên là cây đa Tân Trào – biểu tượng cách mạng của Thủ đô Khu giải phóng. Dưới gốc đa này, chiều 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó, quân Giải phóng đã làm lễ xuất quân, lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của nhân dân xã Tân Trào cùng 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội.
Tuổi trẻ nhà trường nghe giới thiệu về khu di tích Tân trào Tuyên Quang
Địa điểm thứ hai, Lán Nà Nưa là nơi Bác Hồ ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945. Tại căn lán nhỏ đơn sơ này, nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch liên quan đến Cách mạng tháng Tám đã được Bác Hồ soạn thảo. Đến với làng Tân Lập, ghé thăm đình Tân Trào, nơi được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn để tổ chức họp Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 và 17/8/1945. Tại đây, các đại biểu đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng; thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh; nhất trí với quy định quốc kỳ của Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài Tiến quân ca và cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Cũng dưới mái đình này, sáng 17/8/1945, thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ trong lễ ra mắt Quốc dân.
Tuổi trẻ nhà trường chụp ảnh lưu niệm tại Lán Nà Nưa, khu di tích Tân trào Tuyên Quang
Thế hệ trẻ ngày hôm nay đang được hưởng cuộc sống hòa bình và hạnh phúc, đó là nhờ công lao của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống. Cán bộ giảng viên và đoàn viên thanh niên trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên sẽ cố gắng trong mọi mặt công tác, rèn luyện, tu dưỡng, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để cống hiến cho cộng đồng, xây dựng cho quê hương, đất nước giàu mạnh. Hai ngày tình nguyện không đủ dài nhưng cũng đủ để thế hệ trẻ trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, tưởng nhớ đến các liệt sĩ đã ngã xuống cho bình yên quê hương, những công lao ấy sẽ là động lực để thế hệ đoàn viên thanh niên hôm nay dâng hiến tuổi xuân cho sự phồn vinh của đất nước./.
Đoàn trường Cao đẳng Y tế & Phòng CNTT-TV