Tin tức & Sự kiện

Ngày 03-04-2019

Hành trình Trường sơn theo dấu chân những người chiến sỹ

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2019), Đoàn trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên đã thực hiện tổ chức chương trình “Hành trình Trường Sơn – Theo dấu chân những người chiến sỹ” tại các tỉnh miền Trung.

Đoàn tình nguyện rất vinh dự khi có sự tham gia của TS. Hoàng Anh Tuấn – Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Nhà trường; PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn – Phó bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Nhà trường; các trưởng phó phòng ban bộ môn cùng hơn 50 các đồng chí cán bộ giảng viên và ĐVTN của nhà trường.

Đoàn trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên tổ chức chương trình “Hành trình Trường Sơn – Theo dấu chân những người chiến sỹ năm 2019” chào mừng kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2019).

Sau một chặng đường dài hơn 300km điểm dừng chân đầu tiên là Nghĩa trang Đồng Lộc – Hà Tĩnh. Ngã ba Đồng Lộc là di tích lịch sử gắn liền với 10 nữ thanh niên xung phong trong chiến tranh Việt Nam hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Ngã ba Đồng Lộc thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn.

Đoàn cán bộ giảng viên, HSSV Nhà trường dâng hương tại di tích Ngã ba Đồng Lộc

Đây là một trong những điểm giao thông quan trọng trong chiến tranh, cho nên quân đội Hoa Kỳ đã tập trung nhiều máy bay thả bom nhằm cắt đứt đường tiếp tế của người dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nơi đây có một tiểu đội thanh niên xung phong có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom phá. Tiểu đội 4 - Đại đội 552 gồm 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 24. Trưa ngày 24 tháng 7 năm 1968, như mọi ngày 10 cô ra làm nhiệm vụ; 16h30', trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô đang tránh bom. Tất cả đã qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ. Mười đóa hoa ấy đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, đã kiên cường chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp của dân tộc. Những chiến công của các chị đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tuổi trẻ Việt Nam, máu của các chị đã góp phần tô thắm màu cờ của Tổ Quốc.

Địa điểm tiếp theo đó là nhà một nữ anh hùng LLVTND Việt Nam La Thị Tám tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1967, lúc vừa tròn 18 tuổi gia nhập đội thanh niên xung phong và được biên chế vào đơn vị chủ lực Đại đội 2 Giao thông vận tải từ tháng 12/1967 đến tháng 8/1968, đóng tại xã Đồng Lộc. Được giao nhiệm vụ quan sát và để đếm số lượng bom kẻ thù trút xuống và cắm tiêu đánh dấu cho công binh đến phát nổ. Trong suốt 200 ngày đêm ròng rã, số lượng bom đã đếm và cắm tiêu là 1205 quả. Ngày 22 tháng 12 năm 1969, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 20 tuổi.

Đ/c: Hoàng Anh Tuấn - Thành ủy viên, Bí thư Đảng bộ Nhà trường tặng quà Anh hùng LLVTND La Thị Tám

Sau chiến tranh Bà trở về quê hương Hà Tĩnh, lập gia đình rồi chuyển về làm việc ở Đảng uỷ cơ quan dân chính Đảng. Đây cũng là nguyên mẫu nữ nhân vật trong bài hát "Người con gái sông La" của nhạc sĩ Doãn Nho.

Đoàn tình nguyện cũng đã ghé thăm nhà của Anh hùng LLVTND Uông Xuân Lý trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Ông được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ máy gạt, thuộc Đội thi công cơ giới của Ty Giao thông Hà Tĩnh. Riêng Tổ máy gạt do ông làm Tổ trưởng được giao nhiệm vụ đảm bảo giao thông tại khu vực trọng yếu nhất: Ngã ba đồng Lộc. Và tại nơi đây, ông cùng đồng đội - những công nhân giao thông, thanh niên xung phong đã lập nên nhiều kỳ tích trên mặt trận đảm bảo giao thông, góp phần làm nên những chiến công huyền thoại của quân và dân Hà Tĩnh tại Ngã ba lịch sử này. 

Đ/c: Nguyễn Minh Tuấn - Phó bí thư đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường tặng quà Anh hùng LLVTND Uông Xuân Lý

Trong suốt những năm tháng tham gia chiến đấu và lao động trên các mặt trận, anh hùng Uông Xuân Lý đã nhiều lần bị thương với tỷ lệ thương tật 56%. Thời gian trôi đi Ông luôn bị hành hạ bởi những cơn đau dày vò cơ thể, năm 1991 ông nghỉ hưu theo chế độ. Năm 2010, Uông Xuân Lý được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. 

Tiếp tục chuyến hành trình, Đoàn chúng tôi đến với mảnh đất Vũng Chùa - Đảo Yến nằm cách Đèo Ngang 7km về phía nam, thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình là nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong không khí trang nghiêm đoàn chúng tôi đã kính cẩn dâng hương bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc trước công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình đã cống hiến cả cuộc đời vì nền độc lập dân tộc, vì lý tưởng của Đảng quang vinh. 

Đoàn đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người con ưu tú của dân tộc.

Địa điểm dừng chân tiếp theo là Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Nghĩa trang được xây dựng tại khu vực Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước.

Đoàn viếng và đến thắp hương các phần mộ liệt sỹ tại Khu di tích Nghĩa trang Trường Sơn.

Đứng trước đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút uy nghiêm với những khu mộ được chia thành khu vực theo địa phương nơi liệt sỹ sinh ra và một khu dành cho các liệt sỹ khuyết danh nằm ngay ngắn dưới hàng cây rì rào và nghi ngút khói hương; chúng tôi chợt cảm thấy mình nhỏ bé trước sự hy sinh lớn lao của các anh, các chị. Và ý niệm về sự ác liệt của chiến tranh, những hy sinh mất mát trở nên rõ ràng hơn đối với những người được sinh ra trong thời bình như chúng tôi.

Rời nghĩa trang Trường Sơn, chúng tôi tiếp tục thăm viếng nơi yên nghỉ của hơn một vạn các anh hùng, liệt sỹ là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ - Nghĩa trang quốc gia Đường 9. Khung cảnh nghĩa trang trải rộng trước mắt chúng tôi với tượng đài chiến thắng sừng sững với hình ảnh anh bộ đội giải phóng quân Việt Nam cùng cô thiếu nữ và em bé người Lào mừng chiến thắng sau ngày chiến tranh kết thúc, biểu thị tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt - Lào. Khác hẳn với dự đoán của chúng tôi về cái nắng chói chang của gió Lào cát trắng, trời mưa lất phất với những giọt nước long lanh đọng trên những ngôi mộ trắng ẩn mình dưới tán thông xanh.

Đoàn viếng và thắp hương tại nghĩa Trang Đường 9 – nơi yên nghỉ của hơn một vạn anh hùng liệt sỹ

Tiếp tục hành trình, Đoàn dâng hương và viếng “nghĩa trang không nấm mồ” - Thành cổ Quảng Trị. Dấu ấn của cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt mùa hè năm 1972 như vẫn còn hiện hữu đâu đây.

Đoàn viếng và dâng hương tại với Thành cổ Quảng trị.

Với giọng nói nghèn nghẹn nhẹ nhàng chất giọng miền Trung, đoàn được nghe kể về những câu chuyện về người chiến sĩ đã hy sinh tại Thành Cổ nhằm giữ vững chủ quyền thi thể không nguyên vẹn; máu xương của các anh chị đã hoàn toàn lẫn vào đất cát, cỏ cây Thành Cổ. Chúng tôi thấy mắt cay cay khi nghe lại những câu thơ da diết của tác giả Phạm Đình Lân trong bài thơ “Tấc đất Thành Cổ”:

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào”

Đ/c: Hoàng Anh Tuấn - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Nhà trường gửi lại những lời tri ân sâu sắc tới các liệt sỹ đã ngã xuống bảo vệ Thành cổ Quảng trị vào sổ lưu bút

Nếu đôi bờ Thạch Hãn là nơi tưởng niệm, nơi tri ân thiêng liêng thì đôi bờ Hiền Lương là nơi biểu thị cháy bỏng nhất khát vọng thống nhất, đoàn tụ hai miền Nam - Bắc. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, ranh giới là sông Bến Hải. Vì vậy, trong suốt 20 năm, nơi đây đã chứng kiến bao cảnh tang tóc, đau thương nhưng cũng vô cùng anh dũng. Khi đến Vĩ tuyến 17 này, chúng tôi không còn thấy dấu tích của sự chia cắt. Chỉ có những công trình mang biểu tượng tôn vinh chiến thắng như Tượng đài bờ Bắc, Cột cờ giới tuyến hay di tích Đôi bờ Hiền Lương sừng sững dưới nắng chiều.

Cột cờ giới tuyến bên bờ Cầu Hiền Lương – nơi chứng kiến bao thời khắc lịch sử của dân tộc

Đại điểm tiếp theo là địa đạo Vịnh Mốc, một khung cảnh ven biển Cửa Tùng hoang sơ với từng đợt sóng nhè nhẹ vỗ vào bờ cát trắng, xa xa là đảo Cồn Cỏ hiên ngang giữa biển khơi thật rộng rãi so với hệ thống địa đạo nhỏ hẹp nằm dưới lòng đất. Chúng tôi không thể tưởng tượng sao con người có thể sống và sinh hoạt ở nơi ẩm thấp và thiếu ánh sáng đến như vậy. Và càng ngạc nhiên hơn khi nơi gian khổ nhất lại là nơi hạnh phúc đơm hoa kết trái với 17 trẻ em được sinh ra dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc này.

Thăm và nghe lịch sử quân dân tỉnh Quảng Trị  sống và chiến đấu dưới Địa đạo Vịnh Mốc

Hành trình tiếp theo, Đoàn đến thăm làng Sen thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, ngôi làng mà những hình ảnh thân thương gần gũi đã đã in sâu vào tâm thức người Việt. Nơi ấy có những mái nhà tranh dưới những lũy tre xanh, có nhịp võng trưa hè cùng tiếng ru ầu ơ của mẹ, có câu dân ca mênh mang cùng đồng ruộng núi sông…

 

Đoàn cán bộ giảng viên và HSSV nhà trường đến thăm Làng Sen – quê hương của chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngôi làng mang tên làng Sen vì luôn ngát hương sen; là quê hương của Bác Hồ kính yêu, người con ưu tú của dân tộc! Tại đây Đoàn đã dâng hương báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh về những thành tích mà Đoàn trường Cao đẳng Y tế Thái nguyên đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.

Thế hệ trẻ ngày hôm nay đang được hưởng cuộc sống hòa bình và hạnh phúc, đó là nhờ công lao của các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống. Cán bộ giảng viên và đoàn viên thanh niên trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên sẽ cố gắng trong mọi mặt công tác, rèn luyện, tu dưỡng, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để cống hiến cho cộng đồng, xây dựng cho quê hương, đất nước giàu mạnh. Tuổi trẻ trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên sẽ ghi nhớ đến các liệt sỹ đã ngã xuống cho bình yên quê hương, những công lao ấy sẽ là động lực để thế hệ đoàn viên thanh niên hôm nay dâng hiến tuổi xuân cho sự phồn vinh của đất nước./.

Trung Anh – Đoàn trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên

Các bài liên quan